Hiện nay tài xế xe ôm công nghệ đã trở thành một nghề và được rất nhiều người lựa chọn, đặc biệt tại các thành phố lớn. Đây có thể là một lựa chọn tạm thời để kiếm tiền, nhưng không phải là một nghề lâu dài hay bền vững.

Bài viết liên quan: Công ty bảo vệ VLS bị tố cố tình không trả lương nhân viên sau nghỉ việc

Ngày kiếm nửa triệu vẫn “lắc đầu”

Đã quá 23h, anh Tuấn (30 tuổi, ngụ tại TPHCM), tài xế xe ôm công nghệ, thất thểu trở về nhà sau hơn 15 tiếng làm việc. Rời nhà khi vợ, con chưa thức và trở về khi gia đình đã ngủ, anh Tuấn chỉ có thể nén lại nỗi tủi thân trong lòng.

tai-xe-xe-om-cong-nghe-xin-sang-lam-bao-ve-1
Thu nhập giảm, nhiều tài xế phải tăng thời gian chạy trong ngày để kiếm đủ tiền lo cho gia đình.

Bắt đầu bữa tối vào lúc nửa đêm, anh chỉ ăn vội bát cơm rồi lên giường ngủ vì quá mệt mỏi. Anh Tuấn cho hay, mỗi ngày anh ngủ 6-7 tiếng. Anh phải tranh thủ ngủ thật nhiều để 7h hôm sau có thể lái xe một cách tỉnh táo nhất.

Làm tài xế xe ôm công nghệ hơn 2 năm, anh Tuấn đành thở dài, thừa nhận rằng bản thân dường như bị “vắt” kiệt sức.

“Thời gian đầu mới vào làm, tôi kiếm được 700-800.000 đồng/ngày. Nhưng dần dà về sau, thu nhập đôi lúc giảm rất nhiều khiến tôi bị sốc. Từ chạy 10 tiếng/ngày, giờ tôi phải làm việc 15-16 tiếng để đổi lấy mức thu nhập 300-400.000 đồng/ngày”, anh Tuấn nói.

Vợ anh từng là nội trợ, chỉ ở nhà chăm con, giờ phải đi làm để kiếm thêm tiền kể từ khi thu nhập của chồng giảm hơn 50%.

“Ngày càng có nhiều thanh niên đăng ký làm tài xế nên số cuốc trong ngày bị giảm đi. Dạo gần đây, tài xế còn bị giảm khoản tiền thưởng. Mỗi tháng gia đình tôi phải chi 7-8 triệu đồng, chưa kể tiền học cho con. Nếu cứ tiếp tục, nghề tài xế quả thực không đủ nuôi gia đình”, anh Tuấn thừa nhận.

tai-xe-xe-om-cong-nghe-xin-sang-lam-bao-ve-2
Áp lực tài chính đang là gánh nặng của nhiều tài xế xe ôm công nghệ.

Tài xế Thanh Tùng (41 tuổi, ngụ tại TPHCM), đang chăm chú vào màn hình điện thoại để chờ giao đơn hàng mới. Xung quanh chỗ anh đứng tầm 5m, có đến 4 tài xế cũng đang đứng chờ cuốc.

“Thời buổi này tới nghề tài xế cũng cạnh tranh. Mỗi ngày chạy xe ra đi làm, cứ đi một chút lại thấy tài xế xe ôm công nghệ. Thú thật tôi cũng… ngán lắm”, anh Tùng cười trừ, nói.

Không dễ để tìm một công việc mới

Qua Tết, tài xế xe ôm công nghệ Hoàng Nguyên (36 tuổi) lật đật nộp hồ sơ xin việc bảo vệ nhưng vẫn chưa có công ty nào hồi âm. Mặc dù trên các hội nhóm tuyển dụng trên Facebook, có rất nhiều thông tin tuyển dụng của các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ. Dù vậy, có vẻ họ không mấy “mặn mà” với hồ sơ của tôi.

Trước đây, sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng Hoa Sen (TPHCM), anh Nguyên được một công ty nhận vào làm nhân viên kỹ thuật máy tính. Do thu nhập không cao, anh quyết định làm thêm nghề lái xe ôm công nghệ để có tiền lo cho 2 con.

Thời điểm ấy, mỗi ngày anh kiếm được gần 1 triệu đồng. Thấy nghề này dễ làm, không cần bằng cấp nhưng thu nhập lại cao, anh quyết định bỏ công việc ổn định để theo nghề.

tai-xe-xe-om-cong-nghe-xin-sang-lam-bao-ve-3
Thấy công việc không còn như trước, không ít tài xế lật đật muốn chuyển nghề.

Tuy nhiên, sau 8 năm, thu nhập của nghề tài xế giảm hơn 50%, anh Nguyên lại mắc thêm các bệnh liên quan tới xương khớp, tiêu hóa. Giờ đây, dù có cầm tấm bằng cử nhân đi xin việc làm bảo vệ, anh Nguyên cũng chỉ nhận được cái “lắc đầu từ chối” vì nhiều công ty chỉ lựa chọn tuyển người trẻ dưới 35 tuổi.

Cũng như anh Nguyên, anh Tuấn cho biết cũng đang tìm một công việc mới để làm. Thế nhưng, nếu muốn có một công việc ổn định, anh buộc phải bỏ thời gian, công sức để đi học nghề. “Xem như làm lại từ đầu”, anh nói nửa đùa, nửa thật.

Làm tài xế hơn 5 năm, anh Bùi Đoàn (33 tuổi) cảm thấy may mắn khi xem nghề này là công việc phụ. Mỗi tuần, anh Đoàn chỉ dành 4-5 buổi để chạy xe ôm công nghệ, kiếm 5-6 triệu đồng/tháng. Số tiền này anh dùng cho các khoản phí sinh hoạt, ăn uống, mua sắm,…

Tiền lương kiếm được từ công việc chính, anh không tiêu đồng nào, đồng thời tiết kiệm được một khoản dư.

tai-xe-xe-om-cong-nghe-xin-sang-lam-bao-ve-4
Nhiều người lao động chỉ xem công việc tài xế là nghề phụ, kiếm thêm tiền trang trải.

“Dù chỉ là làm thêm nhưng tôi thấy nghề này rất vất vả. Nhiều người trẻ nghĩ rằng làm tài xế xe ôm công nghệ có thể kiếm được nhiều tiền, công việc lại thoải mái nhưng thực tế không phải như vậy. Sau nhiều năm làm việc, chúng tôi rất dễ mắc các bệnh về hô hấp, da, xương khớp, tiêu hóa do thường xuyên lái xe, rong ruổi ngoài đường”, anh Đoàn giải thích.

Không những vậy, tài xế thời gian qua cũng phải đối mặt với nhiều tình huống oái oăm như cướp, lừa đảo, bùng hàng,…

Theo anh Đoàn, người trẻ chỉ nên xem đây là công việc tạm thời, kiếm tiền trang trải trong lúc tìm việc ổn định theo đúng chuyên môn.

“Đừng chỉ nghĩ đến tiền mà hãy nghĩ lâu dài hơn. Công việc này làm ra nhiều tiền nhưng chi phí liên quan rất cao. Nghề này cũng không thể thăng tiến, ổn định hay phát triển vì nó không đòi hỏi bất kỳ bằng cấp, chuyên môn gì cả”, anh Đoàn nói.