Xin được trả lời ngay, đó chính là DMZ (Demilitared Zone), khu phi quân sự tại biên giới liên Triều (Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc) ở vĩ tuyến 38.
Bài viết liên quan:
- Những công nghệ bảo vệ mới và tiên tiến nhất hiện nay
- Tại nơi công cộng thì yếu nhân được bảo vệ nghiêm ngặt thế nào?
Sau Hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên được ký kết (27/ 7/1953), DMZ được thiết lập và nhanh chóng trở thành nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới. Chính điều này đã lôi cuốn sự tò mò của đông đảo du khách ưa mạo hiểm nhưng không phải ai cũng đủ can đảm đến vùng đất đầy bí ẩn này.
Chương trình học tập tại thủ đô Seoul thuộc Dự án hỗ trợ Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nâng cao năng lực thực thi chính sách của Chính phủ năm 2024 tại Hàn Quốc không có lịch đi thực tế tại DMZ. Tuy nhiên, có lẽ đây là nơi đáng đến nhất với các nhà báo nên Trưởng đoàn là PGS-TS Mai Đức Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Học viện Báo chí và Tuyên truyền giao nhiệm vụ cho Tiến sĩ Nguyễn Thị Oanh, Vụ phó Nhà xuất bản Sự thật kết nối với Đại sứ quán Việt tại Hàn Quốc, hoặc bằng cách nào đó, phải đến được DMZ vào ngày Chủ nhật (25-8).
Cũng chả rõ nữ Tiến sĩ tươi trẻ, giỏi tiếng Anh ấy bằng cách nào nhưng sớm 25-8 chúng tôi đã thấy 2 chiếc xe con đậu cửa khách sạn đưa đoàn nhà báo từ Seoul ngược phía Bắc. Sau 40 phút đã có mặt tại DMZ trong sự trầm trồ về kỳ tích sông Hàn suốt chặng đường dài 50 cây số trong sắc thu vàng xứ Kim Chi…
Như đã nói, DMZ được thành lập cùng với Hiệp định đình chiến Triều Tiên năm 1953, dài 248 km và rộng khoảng 4 km, chia đôi bán đảo Triều Tiên. Tại đây, vào những năm 1980, chính phủ Hàn Quốc cho xây một cột cờ khổng lồ cao 98,4 m bên cạnh DMZ. Phía Triều Tiên cũng xây cột cờ Panmujeom cao 160 m, cách biên giới 1,2 km về phía tây. Lúc đương chức Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng thốt lên: DMZ ở biên giới liên Triều là nơi đáng sợ nhất thế giới!
Để vào khu DMZ, chúng tôi phải đi qua hàng rào an ninh với sự kiểm soát nghiêm ngặt quân đội Hàn Quốc. Tuy nhiên khi bước qua hàng rào an ninh, nếu tạm quên nỗi sợ chiến tranh, nhiều người sẽ bị mê hoặc bởi cây cối và thiên nhiên tuyệt vời nơi đây. Cảnh đẹp tự nhiên của DMZ giống như một khu du lịch sinh thái. Nhiều người cho rằng, chính vì khu vực này được bảo vệ khỏi sự xâm phạm của con người trong hơn 7 thập kỷ đã vô tình trở thành nơi trú ẩn của động vật hoang dã. Điều này càng khiến DMZ trở thành điểm đến nổi tiếng dành cho những người yêu thiên nhiên. Tất nhiên, việc dừng lại chụp ảnh dọc đường hoàn toàn bị cấm, du khách chỉ được chụp hình, quay phim tại một số điểm được cho phép.
Về mặt lý thuyết, tháng 7/1953 mới chỉ có hiệp định đình chiến chứ chưa có hiệp định hoà bình, do vậy cả Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn trong tình trạng chiến tranh. DMZ trở thành mảnh đất được bảo vệ nghiêm ngặt nhất với hàng triệu binh lính cả hai phía, những hàng rào dây thép dày đặc, cao vút khiến người ta hiểu hơn, khao khát hơn về sự thống nhất, về hòa bình nhân loại. Từ năm 1993, Hàn Quốc đã khéo léo biến vùng này trở thành khu du lịch hấp dẫn du khách thích mạo hiểm, thu về khối lợi nhuận khổng lồ từ ngành du lịch không khói từ khu DMZ này.
DMZ nguy hiểm và hấp dẫn bởi vậy không phải cứ ai muốn đến cũng có thể được do tính chất đặc thù của khu phi quân sự cũng như những mâu thuẫn phát sinh bất thường từ 2 phía. Thời điểm đoàn nhà báo Việt Nam đến DMZ, chúng tôi được xem phim về cuộc chiến tranh Triều Tiên đầu những năm 1950, thăm bảo tàng chiến tranh và tham quan đường hầm số 3 được phát hiện năm 1978, là một trong bốn đường hầm mà Triều Tiên đào để tấn công Seoul bất thành. Tour tham quan đường hầm kéo dài khoảng một tiếng, phải đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn khi di chuyển trong không gian hẹp và tối tăm của đường hầm này, điểm kết thúc là nơi bị Triều Tiên lấp lại. Khi tham quan đường hầm số 3, vì bí mật quân sự, du khách tuyệt đối không được chụp hình. Đến khu vực trưng bày chứng tích chiến tranh, nhiều người không khỏi ngậm ngùi khi nhìn thấy chiếc đầu máy xe lửa từ hơn 70 năm trước với những vết đạn chi chít như tổ ong. Rồi tiếc nuối khi ngắm cây cầu cũ kỹ có tên Cầu Không Trở Lại, từng được sử dụng làm nơi trao đổi tù nhân giữa hai miền và bị đóng cửa vĩnh viễn vào năm 1976. Tên gọi “No Return” thể hiện sự quyết định cuối cùng của tù binh khi lựa chọn không quay trở lại bên kia…
Điều luyến tiếc nhất của đoàn nhà báo chúng tôi là lỡ dịp lên Đài quan sát Dora để có thể ngắm nhìn lãnh thổ Triều Tiên qua kính viễn vọng, bao gồm cả các công trình và tượng lãnh tụ Triều Tiên. Được biết, bên trong đài quan sát có cả mô hình khu vực giúp du khách hiểu rõ hơn về bối cảnh địa lý và lịch sử vùng đất này. Hỏi những người có trách nhiệm ở khu DMZ, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn là dịp này đang có vấn đề nên tạm ngừng đón khách lên đài quan sát.
Lâu nay, thi thoảng truyền thông vẫn loan tin Bắc Triều Tiên thử tên lửa và đe doạ tấn công Hàn Quốc khiến những người yêu chuộng hoà bình không khỏi lo ngại. Tuy nhiên, nhiều người dân Hàn Quốc từ nam phụ lão ấu khi được hỏi có sợ Bắc Triều Tiên gây hấn tấn công Seoul hay không, thì mọi người đều chung câu trả lời: Không hề sợ, sẽ không có chuyện đó. Cách trả lời đầy bình tĩnh và tự tin của người dân Hàn Quốc cho thấy họ rất yêu chuộng và khát vọng hoà bình.
Là những công dân của dân tộc từng đắm chìm trong bom đạn chiến tranh cùng nỗi đau chia cắt 2 miền suốt mấy chục năm, người Việt chúng ta không chỉ chia sẻ mà còn mong muốn đến một ngày nào đó, vĩ tuyến 38 không còn là nơi cách trở giữa 2 miền Nam – Bắc bán đảo Triều Tiên. Tất nhiên con đường thống nhất gian nan hay thuận lợi đến đâu còn phụ thuộc vào ý chí cùng ý thức hệ của lãnh đạo và nhân dân 2 miền trong công cuộc kiếm tìm hạnh phúc ở nơi nhau…
Nguồn: https://baobacninh.vn/-en-noi-uoc-bao-ve-nghiem-ngat-nhat-the-gioi-91127.html