Vừa qua, trên mạng xã hội xôn xao về clip xô xát giữa bảo vệ bệnh viện và người nhà bệnh nhân. Từ đó xuất hiện nhiều ý kiến về hành động của nhóm bảo vệ bệnh viện. Việc làm của bảo vệ là đúng hay sai? Có thể bị xử lý thế nào? Hãy cùng tham khảo ý kiến từ các luật sư.

Bài viết liên quan:

Clip hé lộ nguyên nhân vụ bảo vệ BV Tuyên Quang “hỗn chiến” với người nhà bệnh nhân

Ngừng hợp đồng với công ty bảo vệ đánh người nhà bệnh nhân

Câu hỏi Luật sư: Đối với hành vi này, người bảo vệ sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật ?

luat-su-truong-thanh-ducLuật sư Trương Thanh Đức hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam giải đáp.

Các tình tiết khách quan của vụ việc, cũng như lỗi và trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, cơ quan và tổ chức có liên quan như thế nào sẽ phải chờ kết quả điều tra và giải quyết của cơ quan Công an. Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung clip và những thông tin đã được báo chí phản ánh thì có thể thấy, lực lượng bảo vệ bệnh viện đã có những hành động sử dụng vũ lực rõ ràng là thái quá, không cần thiết để tấn công người nhà bệnh nhân. Những hành vi này đã vượt quá phạm vi nhiệm vụ “phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp” của lực lượng bảo vệ được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Ngay cả khi những người nhà bệnh nhân có những sự vi phạm, hoặc tấn công bảo vệ thì với lực lượng áp đảo và người nhà bệnh nhân cũng không có hung khí nguy hiểm, thì các bảo vệ bệnh viện hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ khác phù hợp hơn để ngăn chặn và xử lý. Việc sử dụng vũ lực của các bảo vệ như trong clip ghi lại có tính chất “trả đũa”, “ăn thua” với người nhà bệnh nhân nhiều hơn là nhằm “ngăn chặn” các hành vi vi phạm của họ, hoặc phòng vệ chính đáng.

Hành vi nêu trên của các bảo vệ bệnh viên đã trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của người nhà bệnh nhân, cũng như gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự tại bệnh viện (nơi công cộng) nên có dấu hiệu của hành vi “đánh nhau” hay “cố ý gây thương tích” hoặc “gây rối trật tự công cộng”. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm thì những hành vi này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Về chế tài hành chính: Tại Điểm b Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định: Hành vi “gây mất trật tự ở “… trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng; còn hành vi “đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau” sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng

Về chế tài hình sự: Với diễn biến vụ việc được phản ánh trong clip thì nhiều khả năng thương tích của những người nhà bệnh nhân (nếu có) cũng sẽ là thương tích nhẹ, không nghiêm trọng. Do đó, nếu các bảo vệ có bị xử lý hình sự về “tội cố ý gây thương tích” thì cũng chỉ thuộc quy định tại Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự, với các loại và mức hình phạt là:  Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Còn trong trường hợp, các bảo vệ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội gây rối trật tự công cộng” (Điều 318 Bộ luật hình sự) thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến cao nhất là 07 năm.

Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân cũng có một phần lỗi không nhỏ, khi không đeo khẩu trang và có những phản ứng tiêu cực, chống đối khi được nhắc nhở, thậm chí là tấn công lực lượng bảo vệ. Do đó, tùy thuộc vào diễn biến chính xác của vụ việc thì người nhà bệnh nhân cũng có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự về hành vi đánh nhau hay cố ý gây thương tích hoặc gây rối trật tự công cộng như đối với lực lượng bảo vệ nêu trên.

Bên cạnh đó, nếu những nhân viên bảo vệ đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo kế hoạch và sự phân công của Cơ quan có thẩm quyền thì việc người nhà bệnh nhân có hành vi chống đối, cãi cọ, xô sát, “túm cổ áo, giằng co” với nhân viên bảo vệ khi bị nhắc nhở đeo khẩu trang như báo chí đã đưa tin thì những hành vi này còn có dấu hiệu của “Tội chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự, với loại và mức phạt là:  Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến cao nhất là 07 năm.

Ngoài ra, với hành vi không đeo khẩu trang tại bệnh viện thì những người nhà bệnh nhân này cũng có thể bị xử phạt về hành vi “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”, với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Trước đó, vào khoảng 14h ngày 09/3/2021, một ôtô 16 chỗ chở bệnh nhân và người nhà đi qua cổng số 1 vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

Khi đến giữa sân của khoa khám bệnh, có một người bệnh nữ và hai thanh niên xuống xe đi vào cửa khoa khám bệnh, cả ba người đều không đeo khẩu trang. Mặc dù bảo vệ đã nhắc nhở đeo khẩu trang phòng chống dịch, nhưng hai người nhà người bệnh không thực hiện và có phản ứng gay gắt, sau đó mâu thuẫn xô xát xảy ra, đánh nhau giữa nhân viên bảo vệ và người nhà bệnh nhân. Ngay sau đó, nhân viên y tế đã can ngăn và đưa người bệnh vào khám bệnh, đồng thời liên hệ với Công an phường Tân Hà.

Đến tối 09/3, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết việc bảo vệ đánh người trong khuôn viên viện là vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự. Cùng với đó, Bệnh viện chấm dứt hợp đồng với Công ty bảo vệ Phương Đông từ ngày 10/3.

Hiện Công an phường Tân Hà đang phối hợp cùng Công an thành phố Tuyên Quang điều tra sự việc.